Việt Nam
Quốc kỳ Việt Nam
Việt Nam (tên chính thức: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là quốc gia nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á. Thủ đô là Hà Nội kể từ năm 1976, với Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất. Phía Bắc Việt Nam giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào và Campuchia, phía Tây Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Đông và Nam giáp Biển Đông và có hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm, có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được Chính phủ xác định khoảng gấp 3 lần diện tích đất liền (trên 1 triệu km²).

Về Kinh tế

Từ năm 1993 đến 1997, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm khoảng 9%. Tăng trưởng GDP 8,5% vào năm 1997 đã giảm xuống 4% vào năm 1998 do ảnh hưởng của sự kiện khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997, và tăng lên đến 4,8% năm 1999. Tăng trưởng GDP tăng lên từ 6% đến 7% giữa những năm 2000–2002 trong khi tình hình kinh tế thế giới đang trì trệ. Ngày 7 tháng 11 năm 2006, Việt Nam được phép gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các nước có yêu cầu (trong đó có những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc). Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức WTO ngày 11 tháng 1 năm 2007.

Ngày 3 tháng 4 năm 2013, tại một hội thảo tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã nhận định nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại sau 5 năm gia nhập WTO. Cụ thể, trong giai đoạn 2007–2011, chỉ có 1 năm (2008) Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP trên 8%. Tuy xuất khẩu tăng 2,4 lần lên 96,9 tỷ USD giai đoạn này nhưng mức tăng trưởng thấp hơn 5 năm trước khi gia nhập WTO. Đa phần tỷ trọng xuất khẩu là do khối doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 60%, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là nông – lâm sản, và khoáng sản thô. Sau hội nhập, tỷ trọng nhập siêu cũng tăng mạnh, 18 tỷ USD vào năm 2008. Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ 2007-2008 đến nay.

Đến năm 2013, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với áp lực, từ nợ xấu đến lạm phát, tín dụng tăng trưởng thấp. Tình trạng tham nhũng không được cải thiện và luôn bị xếp hạng ở mức độ cao của thế giới, các khó khăn về vốn, đào tạo lao động, đất đai, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng, việc kinh doanh với hàng chục ngàn thủ tục từ 20 năm trước đang tồn tại và không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Theo thống kê năm 2015 của Ngân hàng Thế giới thì PPP đầu người của Việt Nam năm 2014 là 5.294,4 USD, bằng 55,4% so với Indonesia, 65% so với Philippines, 37% so với Thái Lan và bằng 6,7% so với Singapore.